Nâng cao chất lượng đào tạo hệ ngoài chính quy

01
01
'70

Hình thức đào tạo vừa làm vừa học (VLVH) không thể thiếu trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhưng hệ đào tạo này đang đối mặt nhiều khó khăn, bị nghi ngờ về chất lượng. Giải pháp nào để nâng cao chất lượng hệ đào tạo VLVH? Lãnh đạo các cơ sở đào tạo ĐBSCL quan tâm vấn đề này tại Hội thảo “Giáo dục thường xuyên góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay”, do Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vừa tổ chức.

Khó khăn, thách thức

Với bề dày 50 phát triển, Trường ĐHCT đủ năng lực về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiều hình thức đào tạo. Song song hệ đào tạo chính quy, Trường ĐHCT cũng quan tâm đến hệ VLVH. Trung tâm Liên kết Đào tạo (TTLKĐT) - tiền thân là Trung tâm Đào tạo Từ xa - của Trường ĐHCT ra đời năm 2009, nhằm hướng đến đào tạo nguồn nhân lực có trình độ theo hình thức VLVH, từ xa, đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo Tiến sĩ Phạm Phương Tâm, Giám đốc TTLKĐT, Trường ĐHCT, 8 năm qua, trung tâm hợp tác đào tạo, bồi dưỡng với 84 cơ sở giáo dục trong và ngoài ĐBSCL, cung cấp nhiều cán bộ, kỹ sư phục vụ phát triển kinh tế- xã hội cho ĐBSCL và cả nước. 

Việc gắn kết giữa trường với doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng ở các bậc, hệ đào tạo. (Trong ảnh: Sinh viên phỏng vấn xin việc tại Ngày hội tuyển dụng học sinh, sinh viên do Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ tổ chức năm 2017). Ảnh: B.KIÊN

Tuy nhiên, dù nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo hệ ngoài chính quy, nhưng các cơ sở đào tạo ở ĐBSCL nói chung, ĐHCT nói riêng đang phải đối mặt với không ít khó khăn - lớn nhất là những định kiến về chất lượng - khiến công tác tuyển sinh khó khăn. Qua thống kê của ĐHCT, ở hệ VLVH, năm 2016 trường tuyển sinh được trên 81% chỉ tiêu, năm 2017 tuyển trên 78% chỉ tiêu; riêng hệ đào tạo từ xa, chỉ tiêu đạt thấp hơn.

Một số trường ĐH, cao đẳng (CĐ) khác ở ĐBSCL cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp, hệ VLVH và từ xa, năm 2015 tuyển được 456 sinh viên, năm 2016 là 258 sinh viên và năm nay chỉ có 290 sinh viên. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp, cho rằng: Xã hội và cả nhà tuyển dụng còn đặt nặng về bằng cấp, phân biệt giữa đào tạo chính quy và không chính quy. Các địa phương chưa có quy hoạch nguồn nhân lực và nhu cầu xã hội về các hệ đào tạo (chính quy, không chính quy) nên khó khăn trong việc xây dựng các ngành mới. Việc đào tạo chuyển tiếp hay liên thông từ các trình độ thuộc các trường cao đẳng thiên về thực hành lên trình độ ĐH thiên về lý thuyết, rất khó xác định chuẩn đầu ra, nên kết quả đào tạo có khoảng cách xa với nhu cầu tuyển dụng. Theo thạc sĩ Huỳnh Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, nguồn tuyển sinh ngày càng ít, người có nhu cầu học nhưng chưa tiếp cận đầy đủ thông tin… khiến tuyển sinh hệ VLVH khó khăn.

Đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ ở ĐBSCL cho rằng, ngoài ĐHCT, các đơn vị khác mà trường liên kết ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… đang gặp khó khăn về nguồn tuyển. Nguyên nhân là do nội dung chương trình, ngành nghề đào tạo còn chậm đổi mới cho phù hợp với nhu cầu xã hội và đối tượng người học; giữa các cơ sở đào tạo thiếu tiếng nói chung về xác định ngành nghề đào tạo; mục đích liên kết đào tạo chưa thực sự chú trọng đến nâng cao chất lượng, đào tạo những gì trường có, chứ chưa đào tạo những gì xã hội đang cần.

Giải pháp nâng cao chất lượng

Luật Giáo dục của Việt Nam năm 2005 khẳng định: “Việc xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, nhằm phát triển giáo dục và xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân. Trong đó giáo dục thường xuyên đóng vai trò quan trọng giúp mọi người VLVH, học liên tục, học suốt đời…”. Đây là cơ sở pháp lý để các trường thực hiện, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân, nhưng vấn đề đặt ra là các trường phải có giải pháp thu hút được người học. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp, cho rằng: Các trường cần xây dựng chương trình đào tạo thân thiện với người học. Người học có thể chọn lựa các môn học, tiến tới chọn thầy, thời gian, địa điểm…Trường cần đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; gắn kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra.

Theo lãnh đạo Trường CĐ Cộng đồng Cà Mau, cần phối hợp trong công tác tuyển sinh. Ví dụ như ở tỉnh có nhiều cơ sở đào tạo, không nên tuyển sinh cùng ngành sẽ dễ dẫn đến phân tán số lượng người học và khó mở lớp. Bên cạnh có biện pháp khuyến khích người học đến lớp, trường cần cải thiện việc ra đề thi. Cụ thể, nâng cao tỷ lệ ra đề thi dạng mở, tăng cường kiểm tra kỹ năng áp dụng, vận dụng, khả năng tự học, nghiên cứu giáo trình của người học. Quan tâm xem xét mở rộng công tác liên kết đào tạo đối với hình thức học ĐH chính quy chuyển tiếp hai giai đoạn (giai đoạn đầu ở CĐ cộng đồng, giai đoạn 2 ở ĐHCT).

Các đại biểu cũng thống nhất rằng chất lượng đào tạo vẫn là nhân tố quyết định thu hút người học. Theo Thạc sĩ Đào Phong Lâm, Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Kiểm định, Trường ĐHCT, các hình thức giáo dục thường xuyên do ĐHCT thực hiện bao gồm 14 ngành (hệ từ xa) và 21 ngành hệ VLVH. Các chương trình đào tạo này được đảm bảo có khối lượng, nội dung và cấu trúc kiến thức tương đương với chương trình đào tạo hệ chính quy, cũng như công tác học vụ, tuyển sinh, quản lý đào tạo… Tất cả chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng. Cô Phạm Thị Ngọc Sương, Phó Giám đốc TTLK, Trường ĐHCT đưa ra giải pháp đối với những lớp học ngày càng ít học viên, bằng hình thức đào tạo trực tuyến áp dụng cho hệ đào tạo từ xa. Dự kiến năm 2018, trường sẽ chọn một số ngành để thực hiện đào tạo hình thức này, tùy vào điều kiện của đơn vị liên kết. Cô Sương nói: “Hình thức học này giúp người học tiết kiệm thời gian, chi phí; học bất cứ nơi nào có kết nối internet, vẫn có thể trao đổi trực tiếp với người dạy”.

Phải thừa nhận rằng, bên cạnh hệ đào tạo chính quy, hệ VLVH đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao mặt bằng dân trí ĐBSCL. Vấn đề đặt ra vẫn là đồng lòng nâng cao chất lượng ở các trường, cũng như tạo điều kiện giúp người học hệ VLVH đạt hiệu quả.

B.KIÊN

(Nguồn: http://baocantho.com.vn/nang-cao-chat-luong-dao-tao-he-ngoai-chinh-quy-a93568.html)

Từ khóa:

Sự kiện
Hoạt động

VIDEO CLIP

Mạng xã hội