Kỹ sư CNTT của Việt Nam được đánh giá giỏi chuyên môn
(NLĐO) – 75% công ty nước ngoài đánh giá các kỹ sư CNTT của Việt Nam có trình độ chuyên môn giỏi hơn một số quốc gia khác
Ngày 2-2, mạng tuyển dụng chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT) ITviec (www.itviec.com) đã công bố kết quả khảo sát quan trọng về tình hình phát triển của các doanh nghiệp (DN) ngành CNTT Việt Nam trong năm 2017. Kết quả khảo sát sẽ giúp các DN CNTT trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý có cái nhìn tổng quan về tình hình nhân sự, phát triển, đầu tư vào lĩnh vực CNTT tại Việt Nam vừa qua cũng như trong thời gian sắp tới. Kết quả khảo sát chung cho thấy phần lớn công ty CNTT đang hoạt động tại Việt Nam nhận định Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm CNTT của khu vực nhờ lực lượng lao động có trình độ giỏi, chi phí nhân công cạnh tranh và môi trường chính trị ổn định .
Cuộc khảo sát cho thấy 73% công ty CNTT có vốn đầu tư nước ngoài từng cân nhắc mở văn phòng tại một quốc gia khác trước khi lựa chọn Việt Nam. Tuy nhiên, 81% công ty nước ngoài nhận xét Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào hơn và chi phí nhân công thấp hơn các nước mà họ từng cân nhắc mở văn phòng. 75% đánh giá kỹ sư CNTT Việt Nam có trình độ chuyên môn giỏi hơn kỹ sư CNTT tại các nước mà họ từng cân nhắc mở văn phòng. Khảo sát cũng cho thấy các DN nước ngoài cho rằng môi trường đầu tư của ngành CNTT tại Việt Nam đang rất hấp dẫn.
Về xu hướng lương, 45% công ty tham gia khảo sát cho biết mức lương tuyển dụng nhân sự CNTT mới tăng 10% – 20% trong 12 tháng qua. 37% nói rằng lương của nhân viên CNTT mới tăng dưới 10% trong khi 16% cho hay họ tăng mức lương lên hơn 20% để chiêu mộ kỹ sư mới. Mặc dù chi phí nhân sự tăng, Việt Nam vẫn được đánh giá là một quốc gia cạnh tranh, 94% công ty tham gia khảo sát cho rằng ở Việt Nam, giá trị của các chi phí phải bỏ ra vẫn tốt hơn các thị trường khác. Ngành CNTT Việt Nam được dự báo tiếp tục phát triển tốt, 69% công ty tham gia cuộc khảo sát của có kế hoạch tăng số lượng nhân sự CNTT lên từ 10% đến 50% trong 12 tháng tới. Đặc biệt, 9% công ty cho biết sẽ tăng số lượng nhân viên CNTT lên hơn 50%.
Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra rằng ngành CNTT Việt Nam có một số điểm yếu cần khắc phục khi có đến 85% công ty tham gia khảo sát cho rằng khả năng tiếng Anh của kỹ sư CNTT Việt Nam kém hơn kỹ sư CNTT tại các nước khác. Khi được hỏi về điều quan trọng nhất mà kỹ sư CNTT Việt Nam cần cải thiện, câu trả lời phổ biến nhất là "khả năng tiếng Anh" (39%). Tiếp đó là "khả năng thiết kế phần mềm và phân tích tình huống để đưa ra giải pháp thay vì chỉ thực hiện theo yêu cầu" (32%).
Công việc "hot" nhất ngành CNTT hiện nay là Senior Developers – những lập trình viên có thể suy nghĩ sáng tạo và đề xuất cách giải quyết vấn đề. 55% công ty CNTT được khảo sát cho biết đây là vị trí họ tuyển nhiều nhất. Junior hoặc Middle Developers – những lập trình viên có thể làm theo hướng dẫn và viết Code sạch là vị trí được săn đón nhiều thứ hai, với 37% công ty nói họ tuyển vị trí này nhiều nhất.
Ông Chris Harvey, Giám đốc điều hành của ITviec, nhận định: "Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ không chỉ của Đông Nam Á mà của cả thế giới. Ngày càng có nhiều công ty CNTT nước ngoài vào Việt Nam, và các công ty trong nước như Foody.vn hay VNG cũng đang phát triển nhanh". Ông Michael Lobb, Giám đốc Công ty Teamscāl – một doanh nghiệp Úc vào TP HCM năm 2013, cho biết: "trong 5 năm qua, đội ngũ kỹ sư Việt Nam của chúng tôi đã phát triển từ lực lượng nhân viên thành những nhân sự quản lý, sáng tạo của công ty và kết quả là trình độ nhân sự đã tăng đáng kể".
Bà Michelle Koh, Giám đốc Công ty Robust Tech House – một DN có trụ sở ở Singapore và mở văn phòng ở TP HCM vào năm 2014, nhận xét: "Người Việt Nam đang khát khao học hỏi, mong muốn trở nên xuất sắc, có đạo đức nghề nghiệp và thái độ tuyệt vời. Điểm A cho thái độ, điều này giúp họ ngày càng vượt trội hơn".